Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,
Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một bài thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn mới cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 18.
Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:
Đề thi thử tốt nghiệp Văn năm 2024 mẫu số 18
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Theo thạc sĩ tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu thì “bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau, là nơi các thành viên trong đình chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Mỗi thành viên trong gia đình là một người riêng lẻ, họ có thế giới riêng nhưng thế giới riêng đó nếu không có sự kết nối với nhau thì họ sẽ như những người xa lạ ngoài xã hội. Từ đó dẫn đến chuyện họ là những người sống chung một ngôi nhà chứ không phải là một gia đình. Nếu không có bữa cơm, ít thấu hiểu nhau, dây liên kết lỏng ra, dễ bị đứt”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục thành phố Hà Nội, thì cho rằng “bữa cơm gia đình là hình ảnh biểu trưng của hơi ấm gia đình, là nơi để chia sẻ chứ không phải đơn thuần là chúng ta ngồi ăn với nhau một bữa cơm. Nếu cứ suốt ngày đi rồi tối ai về phòng nấy thì chỉ là duy trì sự tồn tại của gia đình chứ không phải xây dựng một gia đình theo đúng nghĩa”.
Nói bữa cơm gia đình thực ra không chỉ nói về bữa cơm. Đằng sau sự thưa hiếm dần, thậm chí sự thiếu vắng hẳn bữa cơm gia đình là sự chăng kéo của các lực hút khác nhau đối với từng thành viên trong gia đình,là sự rạn vỡ của gia đình - tế bào của xã hội, một thiết chế thiết yếu cho sự ổn định xã hội và trao truyền đạo đức xã hội.
(Theo: Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu quan niệm như thế nào về bữa ăn gia đình?
Câu 3: Hình ảnh bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau có ý nghĩa gì?
Câu 4: Anh/Chị hiểu thế nào về thông điệp Nếu cứ suốt ngày đi rồi tối ai về phòng nấy thì chỉ là duy trì sự tồn tại của gia đình chứ không phải xây dựng một gia đình theo đúng nghĩa”?
PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1:(2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về thông điệp Đằng sau sự thiếu vắng bữa cơm gia đình(...) là sự rạn vỡ của gia đình.
Câu 2: (5.0 điểm)
Phân tích cảm hứng về đất nước qua hai đoạn thơ sau:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu – Theo Ngữ văn 12, tập 1 – NXB Giáo dục, 2008)
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”
(Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm – Theo Ngữ văn 12, tập 1 – NXB Giáo dục, 2008)
- HẾT -
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp Văn mẫu số 18 năm 2024
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên là: Nghị luận.
Câu 2:
Theo thạc sĩ tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu thì bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau, là nơi các thành viên trong đình chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Câu 3:
- Hình ảnh bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau có ý nghĩa:
+ Đây là hình ảnh chỉ vai trò của bữa cơm gia đình. Nó giúp các thành viên có dịp gần gũi, chia sẻ, trao đổi tâm tư, tình cảm. Từ đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên mật thiết, gắn bó hơn.
+ Qua hình ảnh này, người viết muốn nhắc nhở mọi người hãy duy trì bữa cơm gia đình như một cách để gắn kết các thành viên lại với nhau cho gia đình sự bền vững.
Câu 4:
Ý nghĩa thông điệp: Nếu cứ suốt ngày đi rồi tối ai về phòng nấy thì chỉ là duy trì sự tồn tại của gia đình chứ không phải xây dựng một gia đình theo đúng nghĩa”:
+ Giả định các thành viên trong gia đình đi làm, đi học.. cả ngày, tối về nhà phòng ai nấy ở, không có không gian và thời gian sinh hoạt chung thì gia đình vẫn còn nguyên, về mặt hình thức (chỉ là duy trì sự tồn tại của gia đình). Nó không đổ vỡ nhưng không bền chặt, không được vun đắp tình cảm, nó thiếu vắng hơi ấm của sự quan tâm, gắn bó, yêu thương, chia sẻ...
+ Một gia đình đúng nghĩa là phải được xây dựng để mối quan hệ giữa các thành viên trở nên bền chặt bằng việc tạo dựng cơ hội gần gũi, quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu lẫn nhau.
PHẦN II: LÀM VĂN
Câu 1:
a. Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn,khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
b. Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo lý và pháp luật, thể hiện được chính kiến. Sau đây là gợi ý:
- Giới thiệu thông điệp cần bàn luận.
- Suy nghĩ về thông điệp:
+ Bữa cơm gia đình là khoảng thời gian mà mọi thành viên trong gia đình sum vầy, để cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, sự kết nối giữa cha mẹ và con cái..
+ Trong mỗi gia đình, nếu bữa cơm chung ngày càng thưa vắng là bỏ qua khoảng thời gian quý báu nhất mà cha mẹ và con cái, vợ và chồng có thể gần gũi, tâm sự, hiểu được sở thích, tình trạng sức khỏe của nhau, cha mẹ bỏ qua cơ hội tìm hiểu về việc học hành, các mối quan hệ bạn bè, mong ước của con. Không hiểu nhau, không thể gắn bó bền chặt chính là sự rạn vỡ (dẫn chứng).
+ Nguyên nhân: lịch học thêm của con, bố mẹ bận công việc, làm thêm giờ, kẻ ăn trước, người ăn sau... gia đình trở nên lạnh lẽo, dễ rạn vỡ (dẫn chứng).
+ Bài học: Tất cả các thành viên đều có trách nhiệm và quyền lợi tham gia vào bữa cơm gia đình, hãy tạo ra một khoảng không gian ấm cúng cho bữa ăn gia đình để các thành viên cảm thấy bữa ăn gia đình thực sự là khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua.
c. Sáng tạo:
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, độc đáo về vấn đề nghị luận.
Câu 2:
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:
Có đủ các phần:mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Cảm hứng về đất nước qua hai đoạn thơ trích ( Việt Bắc - Tố Hữu và Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc, vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu khái quát tác giả- tác phẩm và hai đoạn trích.
- Cảm hứng về đất nước và con người qua hai đoạn thơ:
* Cảm hứng về đất nước trong đoạn thơ trích Việt Bắc:
- Về nội dung: Đất nước thật hào hùng trong hình ảnh đoàn người ra trận với đội ngũ hùng hậu, sức mạnh phi thường, khí thế ngất trời: điệp điệp trùng trùng, bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay, … Đất nước cũng thật nên thơ, hào sảng qua cái nhìn lãng mạn của người ra trận: ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan; niềm lạc quan về một đất nước ngày mai trongniềm tin của những con người đang đi đến chiến thắng: Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên…
- Về nghệ thuật: giọng điệu hào hùng, sảng khoái, cách sử dụng các từ chỉ số lượng, phép so sánh, ẩn dụ - tượng trưng, thậm xưng, thủ pháp đối lập… tạo nên chất tráng ca đậm nét.
* Cảm hứng về đất nước trong đoạn thơ trích Đất Nước:
- Về nội dung: Đất Nước thật bình dị, gần gũi mà thiêng liêng trong công cuộc lao động vĩ đại của nhân dân – những con người vô danh bình dị đã kiến tạo đất nước bằng chính cuộc sống thường nhật của mình: giữ và truyền hạt lúa…, chuyền lửa từ hòn than qua con cúi, truyền giọng điệu cho con tập nói, đắp đập be bờ, trồng cây hái trái,… Đất Nước thật vĩ đại, thật đáng tự hào với những trầm tích văn hóa về vật chất và tinh thần được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ nối tiếp nhau: nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước, ngôn ngữ văn hóa – tiếng Việt, dẫn thủy nhập điền phát triển nông nghiệp,… Đó là Đất Nước của Nhân dân kết tinh công sức, trí tuệ, tâm huyết của bao thế hệ người dân Việt trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
-Về nghệ thuật: cách sử dụng đại từ, điệp từ (Họ), điệp cấu trúc; những động từ với mật độ dày đặc: giữ, truyền, chuyền, gánh, đắp đập, be bờ,…; chất chính luận và trữ tình qua âm điệu câu thơ điệu nói,…
- Đánh giá điểm tương đồng và khác biệt
+ Điểm tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều thể hiện cảm hứng về đất nước trong những ngày kháng chiến hào hùng của dân tộc, đất nước gắn với hình ảnh dân tộc - nhân dân – thể hiện tình yêu và niềm tự hào của các nhà thơ, của con người Việt Nam về Đất nước.
+ Điểm khác biệt:
* Đoạn thơ trích trong bài Việt Bắc:
- Cảm hứng về đất nước thiên về ca ngợi sức mạnh hào hùng, khí thế tiến công và niềm lạc quan sáng ngời của một đất nước đi đến chiến thắng, tiến về tương lai tươi sáng.
- Thể thơ lục bát truyền thống nhưng mang âm hưởng tráng ca với nhịp điệu sôi nổi hào hùng, từ ngữ sử dụng độc đáo, linh hoạt với nhiều từ láy và biện pháp tu từ, liên tưởng như nhân hóa, ẩn dụ, thậm xưng,…
- Giọng điệu say sưa, tươi vui mang cảm hứng sử thi và lãng mạn… thể hiện phong cách của một nhà thơ trữ tình – chính trị.
* Đoạn thơ trích trong bài Đất Nước:
- Cảm hứng về đất nước lắng đọng ở chiều sâu văn hóa với những giá trị văn hóa truyền thống bền vững được khái quát một cách sâu sắc gợi những suy tư về vai trò Nhân dân: những con người vô danh bình dị đã làm nên Đất Nước muôn đời.
- Thể thơ tự do với nhịp điệu linh hoạt trong biểu đạt những cảm xúc, cách sử dụng điệp từ, điệp cấu trúc, hàng loạt động từ…, giọng điệu tâm tình dễ đi vào lòng người ,… thể hiện rõ nét phong cách trữ tình – chính luận của thơ Nguyễn Khoa Điềm.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.
Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!