'

Ôn thi THPT quốc gia môn Văn chuyên đề Bài tập thực hành phần Đọc Hiểu

Theo dõi 1.edu.vn trên
Ôn thi THPT quốc gia môn Văn chuyên đề Bài tập thực hành phần Đọc Hiểu
Mục lục

Bài 1 : Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi

Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả. Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao. Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.

Nó có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ.

Nó có thể mua được châu ngọc, nhưng không mua được sắc đẹp

Nó có thể mua được giấy bút, nhưng không mua được ý thơ

Nó có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được gia đình

Nó có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng

Nó có thể mua được trò chơi, nhưng không mua được niềm vui

Nó có thể mua được xu nịnh, nhưng không mua được lòng trung thành

Nó có thể mua được cánh hẩu, nhưng không mua được tình bạn

Nó có thể mua được sự phục tùng, nhưng không mua được lòng kính trọng

Nó có thể mua được quyền thế, nhưng không mua được trí tuệ

Nó có thể mua được thể xác, nhưng không mua được tình yêu

Nó có thể mua được vũ khí, nhưng không mua được hòa bình.

(Theo Thác-cơ-rê, dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 17)

Câu 1 Đoạn trích trên sử dụng thao tác lập luận nào?( 0,25 điểm)

Câu 2 Tác giả sử dụng thao tác lập luận đó nhằm mục đích gì?

Câu 3 Hãy nêu cách hiểu của anh/ chị về một lí lẽ được nêu trong đoạn trích trên.

Câu 4 Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm “tiền bạc không phải là vạn năng” không? Vì sao? 

 

Bài 2: Đọc hai đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 4 đến 8:

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

(Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm)

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.

(Trong lời mẹ hát – Trương Nam Hương)

Câu 1. Nêu hai phương thức biểu đạt nổi bật trong đoạn thơ thứ nhất. 

Câu 2. Xác định thể thơ của đoạn thơ thứ hai. 

Câu 3. Xác định nghệ thuật tương phản trong từng đoạn thơ trên?

Câu 4. Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép nhân hóa trong câu thơ “Thời gian chạy qua tóc mẹ”

Câu 5. Những điểm giống nhau về nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ trên là gì? Trả lời trong khoảng 6-8 dòng. 

 

Bài 3: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Tự hào dân tộc không phải là việc chúng ta thuộc ca dao, tục ngữ, thơ văn lưu loát mà là có sự cảm nhận về vẻ đẹp của văn hóa dân tộc và mang trong mình tâm thế chia sẻ, quảng bá những vẻ đẹp truyền thống của đất nước ra thế giới. Tự hào dân tộc không phải là việc chúng ta thuộc lòng những tình tiết lịch sử mà là tôn trọng các nền văn hóa, các quốc gia khác nhau và biết hành động vì vị thế của đất nước. Tự hào dân tộc không phải là việc vỗ ngực xưng tên, xem nhẹ các nền văn hóa khác mà là thể hiện bản sắc người Việt trong bối cảnh quốc tế.”

(Trích Thư gửi học sinh nhân ngày tựu trường năm học 2016 – 2017 – Marcel van Miert, Chủ tịch điều hành hệ thống trường quốc tế Việt – Úc)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn trên?

Câu 2: Chỉ rõ biện pháp tu từ cú pháp trong đoạn văn và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ đó?

Câu 3: Anh (chị) có đồng tình với ý kiến được nêu trong câu văn sau không: “Tự hào dân tộc không phải là việc chúng ta thuộc ca dao, tục ngữ, thơ văn lưu loát mà là có sự cảm nhận về vẻ đẹp của văn hóa dân tộc và mang trong mình tâm thế chia sẻ, quảng bá những vẻ đẹp truyền thống của đất nước ra thế giới”? Tại sao?

Câu 4: Từ nội dung của đoạn trích, anh(chị) thấy bản thân cần làm gì để thể  hiện niềm tự hào dân tộc (5- 7 dòng)?

 

Bài 4: Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4

          Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc… 
                                                                                                                                                                                                                (Nguồn Việt Báo,  ngày 9-5-2014)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên?  
Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?
Câu 3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống?
Câu 4. Đặt tiêu đề cho văn bản trên.

 

Bài 5: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

        “Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận cảu những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”

[Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997]

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên. 

Câu 3: Chỉ ra tác dụng của việc dùng phép so sánh trong văn bản trên. 

Câu 4: Theo quan điểm riêng của anh/ chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì? [Trả lời ít nhất 2 tác hại trong khoảng 5-7 dòng] .

 

Bài 6: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

                        NƠI DỰA

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia ?

Khuôn mặt trẻ đẹp chim vào những miền xa nào..

Đứa bé đang lẫm chẫm muôn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống. 

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?

Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.

Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh bước tìmg bước run rẩy.

Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơii dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. 

Câu 2: Hãy chỉ ra nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản trên.

Câu 3: Qua văn bản trên, anh/ chị hiểu thế nào là nơi dựa của mỗi con người trong cuộc đời? 

Câu 4: Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng. 

 

Bài 7: Cho đoạn thơ:

                        “Chỉ có thuyền mới hiểu
                         Biển mênh mông nhường nào
                         Chỉ có biển mới biết
                         Thuyền đi đâu, về đâu

                         Những ngày không gặp nhau
                         Biển bạc đầu thương nhớ
                         Những ngày không gặp nhau
                         Lòng thuyền đau – rạn vỡ”.
                                             (Xuân Quỳnh – “Thuyền và biển”)

Câu 1: Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Thể thơ đó có tác dụng ra sao trong việc diễn đạt nội dung đoạn thơ?

Câu 3: Nội dung của hai đoạn thơ trên là gi?
Câu 4: Nêu biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng? Tác dung?

 

Bài 8: Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi sau

Bị chế, ghép ảnh với mục đích bôi nhọ đang trở thành vấn nạn mà các nữ sinh phải đối mặt trên mạng xã hội hiện nay.

Bị chế ảnh không phải là phiền toái duy nhất mà nữ sinh đối mặt khi sử dụng mạng xã hội. Dương Nguyễn Hà Mi, 19 tuổi, sinh viên trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM cũng đã rất khốn đốn khi dính nghi án lột sạch đồ yêu râu xanh trong nhà nghỉ. Lý do xảy ra những hiểu lầm trên xuất phát từ việc một cá nhân sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức, đã dùng hình ảnh của Mi một cách trái phép minh hoạ cho câu chuyện chống trả yêu râu xanh, nhằm tăng tính hấp dẫn và thu hút người xem…

Điều bất ngờ, Mi cho biết đây không phải là lần đầu cô trở thảnh đích nhắm của trò đùa quái ác. “Nhiều người không biết, tưởng mình là người ra những dòng đó nên họ có lời lẽ khiếm nhã. Mình rất buồn nhưng sợ sự việc đi quá xa nên lúc nào cũng chọn cách im lặng” – Mi tâm sự. Nữ sinh cho biết, sau những rắc rối đã đối mặt, cô sẽ để chế độ riêng tư cho những hình ảnh của mình trên mạng xã hội, tránh để cá nhân có ý đồ xấu lợi dụng…

Riêng Chầm Linh, cô gái xấu số sinh năm1995, vừa tốt nghiệp lớp 12, trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội) đã phải tìm đến cái chết khi bị một bạn nam cùng lớp ghép chân dung mình vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đưa lên mạng làm trò đùa. Sự ra đi của của nữ sinh này đã làm chấn động cộng đồng mạng, khiến những người vốn thích đùa dai cảm thấy thật sự có lỗi và hối tiếc, dẫu muộn màng…

(Trích nguồn ZING.VN)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?

Câu 2: Xác định chủ đề của văn bản?

Câu 3: Nguyên nhân nào dẫn đến việc hai nữ sinh trong văn bản trên bị chế và ghép ảnh nhằm mục đích bôi nhọ? Hậu quả của việc bị chế và ghép ảnh là gì?

Câu 4: Đề xuất từ một đến hai biện pháp mà anh/ chị cho là cần thiết nhằm khắc phục và loại bỏ vấn nạn trên? (Trình bày trong 5- 7 dòng).