'
Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,
Nhằm hỗ trợ các em trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một bài thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 16.
Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:
Đọc đoạn trích dưới đây:
Có lẽ các bạn sẽ không bao giờ bị thất bại như tôi đã trải qua, nhưng trong cuộc đời, thất bại là không thể tránh khỏi. Không thể sống mà không thất bại trong một việc gì đó, trừ phi ta sống dè dặt tới mức có thể coi như chưa sống - trong trường hợp đó, cả cuộc đời ta đã là một sự thất bại rồi.
Thất bại mang lại cho tôi một an bình về nội tâm mà tôi không bao giờ có khi thi đỗ những bài thi. Thất bại dạy cho tôi những điều về bản ngã của mình mà tôi không thể nào học được bằng cách nào khác. Tôi khám phá ra là tôi mạnh mẽ và kỷ luật hơn là mình tưởng; và cũng biết được rằng mình có nhiều người bạn đáng giá ngàn vàng. Ý thức được chuyện mình vượt qua những khó khăn để trở nên khôn ngoan và kiên cường hơn có nghĩa là từ rày về sau mình có thể bình tâm hiểu rằng mình có khả năng tồn tại. Các bạn không thể hiểu được bản thân mình hay bản chất những mối quan hệ của mình cho đến khi chúng được thử thách trong nghịch cảnh. Hiểu được bản thân mình và bản chất các mối quan hệ của mình là một phần thưởng lớn, bất chấp những giọt nước mắt đã phải chảy để có được nó, và nó đáng giá hơn bất cứ những thành tích nào mà tôi đã đạt được.
(Trích Bài phát biểu của nhà văn J. K. Rowling tại đại học Harvard, trong lễ chào mừng các sinh viên tốt nghiệp, hè năm 2008)
Thực hiện các yêu cầu:
Đoạn trích trên bàn về vấn đề gì?
Chỉ ra những điều thất bại mang lại được tác giả nêu trong đoạn trích.
Theo anh/chị, vì sao nhà văn lại nói về vấn đề thất bại trong lễ tốt nghiệp của sinh viên?
Anh/chị có nghĩ rằng trải qua nghịch cảnh, ta có thể hiểu được bản thân mình không? Tại sao?
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về quan điểm được nêu trong đoạn trích: Trong cuộc đời, thất bại là không thể tránh khỏi.
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả sự thức tỉnh tâm hồn của Mị. Vào đêm tình mùa xuân: “Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra” và trong đêm A Phủ bị trói đứng: “Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo Mị cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...”.
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ Văn 12 tập 2, tr. 7-8; 13-14)
Phân tích tâm trạng Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó nhận xét ngắn gọn về giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của tác phẩm.
-- HẾT--
Thí sinh không được xem tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Đoạn trích bàn về sự thất bại.
Những điều mà thất bại mang lại được nêu trong đoạn trích:
- Mang lại cho tôi một an bình về nội tâm;
- Dạy cho tôi những điều về bản ngã của mình;
- Giúp tôi khám phá ra là tôi mạnh mẽ và kỷ luật hơn là mình tưởng;
- Giúp tôi biết được rằng mình có nhiều người bạn đáng giá ngàn vàng.
Học sinh có thể lí giải theo hướng:
- Nhà văn muốn cho các sinh viên thấy rằng, dù họ là những người trẻ, có tri thức ưu tú, đầy nhiệt huyết,... nhưng cũng có thể gặp thất bại.
- Tuy nhiên, thất bại thực ra cũng có những lợi điểm của nó. Vì vậy, chúng ta không nên quá sợ hãi sự thất bại, mà hãy mạnh mẽ, rút ra kinh nghiệm và bài học từ thất bại để có thể thành công.
HS có thể trả lời có hoặc không hoặc vừa có vừa không nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục.
a. Yêu cầu về hình thức
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
Trong cuộc đời, thất bại là điều không thể tránh khỏi.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề trong cuộc sống thất bại là điều không thể tránh khỏi. Có thể theo hướng sau:
- Giải thích vấn đề: trong cuộc đời, không thể tránh khỏi thất bại.
- Bàn luận vấn đề:
+ Thất bại là điều không ai mong muốn. Nhưng trong thực tế, rất ít người đi đến thành công mà không trải qua ít nhất một lần thất bại.
+ Thất bại có thể do chủ quan hoặc khách quan, nhỏ hoặc lớn,...
+ Trước thất bại, con người cần phải kiên cường đối đầu, bình tĩnh suy nghĩ, trau dồi tri thức, đúc kết kinh nghiệm để thành công.
+ Phê phán người dễ chán nản, thoái chí trước những khó khăn thất bại.
- Bài học nhận thức và hành động.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu.
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và trong đêm đông trên núi cao qua hai đoạn văn; nêu giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của tác phẩm.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ
* Giới thiệu chung về nhân vật
- Mị là cô gái Mông trẻ đẹp, có tài thổi sáo rất giỏi.
- Hiếu thảo, khát khao cuộc sống tự do.
→ Xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc.
- Vì món nợ truyền kiếp của gia đình, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, phải sống kiếp nô lệ, bị đày đọa cả về thân xác lẫn tinh thần.
→ Mất hết ý thức về sự sống, về quyền sống.
- Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn Mị vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Trong tác phẩm, có đến hai lần tâm hồn Mị được thức tỉnh, trỗi dậy một cách mãnh liệt: vào đêm tình mùa xuân và đêm đông trên núi cao.
* Phân tích tâm trạng Mị qua hai đoạn văn
- Đoạn văn thứ nhất
+ Miêu tả sự thức tỉnh tâm hồn của Mị trong đêm tình mùa xuân.
+ Những tác nhân làm tâm hồn Mị thức tỉnh: bức tranh thiên nhiên, hơi rượu và đặc biệt là tiếng sáo.
+ Phân tích tâm trạng Mị:
. Khi rượu say và nghe tiếng sáo gọi bạn yêu lơ lửng bay ngoài đường, Mị quên hẳn thực tại và sống về ngày trước, nhớ lại hạnh phúc thời con gái của mình: Mị thổi sáo giỏi, có biết bao người ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
. Rượu tan, Mị không bước ra đường đi chơi mà từ từ bước vào buồng, ngồi nhìn ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng.
. Hồi ức về tuổi xuân lớn dần khiến lòng Mị phơi phới, vui sướng, Mị thấy mình còn trẻ, Mị muốn đi chơi.
→ Mị đã thức tỉnh, đã ý thức được giá trị bản thân, không còn sống vô tri vô giác nữa.
. Nhận thức được mình còn trẻ, Mị cũng đồng thời nhận thức được hoàn cảnh thực tại của mình, muốn kết liễu đời mình chứ không muốn nhớ lại kiếp sống đọa đày, tủi nhục của mình.
→ Biểu hiện của sức sống, của sự phản kháng mãnh liệt. Bởi khi ý thức nhân phẩm đã trở về, Mị không cam chịu kiếp sống đọa đày.
- Đoạn văn thứ 2
+ Miêu tả tâm trạng Mị trong đêm đông - đêm A Phủ bị trói.
+ Phân tích tâm trạng Mị
. Những đêm A Phủ mới bị trói, tâm hồn Mị tê dại đến vô cảm, vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Nhưng vào đêm thấy A Phủ khóc, Mị nhớ lại tình cảnh của mình đêm năm trước, thấy nhà thống lí độc ác qua chừng,...
. Khi đám than đã vạc hẳn, Mị không thổi cũng không đứng lên. Mị miên man nhớ lại đời mình. Mị tưởng tượng nếu A Phủ trốn thoát, mình bị nhà thống lí trói thay vào đấy. Dù thế, Mị cũng không thấy sợ.
→ Từ chỗ thương mình, Mị nghĩ đến và thương người đồng cảnh ngộ. Đến lúc này, tình thương người thực sự đã lớn hơn cả niềm thương thân, giúp Mị chiến thắng nỗi sợ hãi, thôi thúc Mị hành động táo bạo: cắt dây trói cứu A Phủ và tự cứu mình.
- Giá trị của hai đoạn văn: cho thấy sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị không một thế lực tàn bạo nào có thể hủy diệt được. Nó cũng góp phần bộc lộ giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm và tài miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn.
* Nhận xét về giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của truyện
- Giá trị nhân đạo sâu sắc: thương xót và đồng cảm trước nỗi khổ của người dân miền núi dưới ách áp bức của thực dân, chúa đất; tố cáo các thế lực chà đạp con người; phát hiện và khẳng định sức sống, khát vọng sống mãnh liệt của những con người bị áp bức.
- Giá trị nhân đạo mới mẻ: tin tưởng vào khả năng đấu tranh để tự giải phóng mình của người nông dân và mở ra con đường để họ giải phóng.
* Khái quát vấn đề: qua tâm trạng Mị ở hai đoạn văn ta thấy sức sống và khát vọng sống mãnh liệt ở Mị. Nó góp phần khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của tác phẩm.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu : Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!