'

Những thay đổi quan trọng trong đề thi môn Ngữ Văn 2017 thí sinh cần lưu ý

Theo dõi 1.edu.vn trên
Những thay đổi quan trọng trong đề thi môn Ngữ Văn 2017 thí sinh cần lưu ý
Mục lục
Trong khi các môn thi năm nay đều chuyền từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm thì môn Ngữ Văn vẫn giữ nguyên hình thức thi tự luận, thời gian thi giảm từ 180 phút xuống 120 phút. Vì vậy cấu trúc và nội dung bài thi có những thay đổi quan trọng sau, đòi hỏi các bạn thí sinh cần lưu ý:

1. Đề Ngữ Văn năm 2017 có thay đổi gì so với năm trước?

Phần Đọc Hiểu văn bản chỉ còn 1 văn bản với 4 câu hỏi nhỏ, so với năm trước là 2 văn bản với 8 câu hỏi nhỏ. Câu hỏi số 4 của phần này cũng không yêu cầu học sinh trả lời bằng hình thức viết đoạn văn như năm ngoái. Về mức điểm, tổng điểm của phần này vẫn là 3 điểm, bằng với năm 2016. Có thể thấy ngay, nếu học sinh nắm vững kỹ năng làm bài Đọc hiểu, các em đã “bỏ túi” một số điểm không nhỏ.

Phần Nghị luận xã hội chuyển từ hình thức viết bài văn ngắn khoảng 600 chữ sang viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ. Mức điểm cho phần này từ 3 điểm đã giảm thành 2 điểm. Việc viết đoạn thực sự là một thách thức với học sinh bởi trong 200 chữ mà chuyển tải được hết ý tứ của mình một cách gãy gọn, mạch lạc là điều không dễ. Hơn nữa, lâu nay các em đã quen với việc luyện viết một bài văn.

Phần Nghị luận văn học chiếm lại thế thượng phong của mình khi mức điểm của phần này là 5 điểm, chiếm một nửa tổng điểm toàn bài. Số điểm tăng lên nên tất nhiên yêu cầu cho phần này cũng cao hơn. Trong phần này học sinh có thể được yêu cầu nghị luận về một bài thơ/đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm/đoạn trích văn xuôi hoặc nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

2. Những lưu ý khi làm từng dạng bài

a. Nghị luận xã hội chỉ cần làm một đoạn văn

Nếu trước đây phần nghị luận xã hội cần làm thành một bài văn hoàn chỉnh khoảng 600 chữ thì năm nay bạn chỉ cần làm thành một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn được xem nhẹ phần bố cục. Dù chỉ là một đoạn văn nhưng bạn vẫn cần một bố cục rõ ràng gồm 3 phần:

  • Mở đoạn (dẫn dắt vấn đề)
  • Thân đoạn (giải quyết  vấn đề)
  • Kết đoạn ( Bài học rút ra, liên hệ với bản thân)

Cần xác định được dạng đề xem yêu cầu của đề bài là nghị luận về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng xã hội. Vì mỗi loại đề sẽ có một cách triển khai ý khác nhau.

Cần chuẩn bị trước một số chủ đề quen thuộc trong đời sống và hay xuất hiện trong đê thi như vai trò của tri thức, kỹ năng; sức mạnh của ý chí; tầm quan trọng của cá tính; bạo lực học đường; gian lận trong thi cử; các truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc; kỹ năng giao tiếp hay các vấn đề bảo vệ môi trường…

Đọc báo thường xuyên để nắm được kiến thức xã hội, đây chính là nguồn quan trọng bạn có thể dùng để làm dẫn chứng và để có những cái nhìn đa chiều, đa diện hơn về vấn đề cần nghị luận. Tiêu chí để đánh giá chất lượng của bài nghị luận xã hội chính là số lượng dẫn chứng và tính thuyết phục của dẫn chứng.

Một lưu ý bạn không được phép quên khi làm đoạn văn nghị luận xã hội năm nay là: KHÔNG XUỐNG DÒNG. Gợi ý dành cho các bạn: Mở đầu đoạn văn nhớ thụt đầu dòng và kết thúc đoạn văn bằng dấu chấm câu. Nên nhớ, hình thức nhìn đã thấy sai thì nội dung có hay đến mấy cũng không được chấp nhận. Nhớ nhé!

b. Phần đọc hiểu văn bản

Trong phần này, lời khuyên dành cho bạn là hệ thống lại toàn bộ kiến thức thành một bảng bao gồm những kiến thức về: Phong cách ngôn ngữ, biện pháp tu từ, thao tác lập luận, phương thức biểu đạt,… Thông thường, văn bản trong các đề thi sẽ rơi vào phong cách chính luận, phong cách báo chí, phong cách nghệ thuật nên là các bạn cần tập trung vào những phong cách đó để ôn luyện cho kỹ.

c. Phần nghị  luận văn học

Nghị luận văn học luôn là phần quan trọng nhất, chiếm 50% điểm trong đề thi THPT quốc gia. Vì vậy, cần có sự đầu tư nhất định đối với phần này.  

  • Cần nắm được cách phân tích thơ, văn xuôi, phân tích nhân vật, bàn về một nhận định văn học. Tránh kể chuyện đơn thuần và diễn xuôi thơ. Rất nhiều bạn phân tích văn xuôi giống như đang kể lại nội dung tác phẩm còn phân tích thơ thi chẳng khác gì…giải thích nội dung. Cần có những cảm nhận của bản thân và so sánh với những tác phẩm khác để bài phân tích có chiều sâu hơn.
  • Cần phác thảo dàn ý, lập bố cục sơ lược trước khi làm bài. Bạn luôn cho rằng lập dàn ý thật mất thời gian. Tuy nhiên, sự thật là khi có một dàn ý và một bố cục rõ ràng bạn sẽ làm nhanh hơn rất nhiều. Tương tự như việc biết rõ đường mình đi như thế nào thì sẽ đi nhanh hơn đi vô định “đến đâu thì đến” đúng không? Rất có thể còn lạc đường không đến được đích luôn ấy chứ.
  • Nắm được nội dung, giá trị cốt lõi của các văn bản. Muốn phân tích được thì ít nhất phải hiểu rõ tác phẩm trước đã. Có rất nhiều bạn phân tích rất tốt nhưng sai nội dung, sai chủ ý của của tác giả. Để hiểu thì cũng cần dựa vào một số yếu tố khác như: bối cảnh lịch sử, văn hóa vùng miền đất nước,…
  • Học thuộc những dẫn chứng thường dùng trong bài, học thuộc những nhận định văn học cần thiết. Nếu bạn chỉ nắm được nội dung chung mà không nhớ dẫn chứng chi tiết thì bài viết sẽ thiếu thuyết phục và mang nặng cảm tính.
  • Chuẩn bị trước một số mở bài linh hoạt có thể áp dụng cho tất cả hoặc nhiều bài. Các em có thể tham khảo: Cách viết một mở bài ấn tượng

3. Những lỗi thường mắc phải của thí sinh cần tránh

- Ở phần Đọc hiểu văn bản:

  • Trả lời không đúng trọng tâm. Ví dụ đề yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính nhưng các em lại chỉ ra tất cả các phương thức biểu đạt.
  • Trả lời thiếu cụ thể. Ví dụ các em chỉ ghi văn bản viết về đối tượng nào mà không ghi cụ thể văn bản viết cái gì về đối tượng.
  • Trả lời chưa đủ ý. Các em chỉ dừng lại ở việc nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ mà không gọi tên biện pháp tu từ và chỉ ra biểu hiện của biện pháp ấy trong câu thơ. Các em chỉ nêu nội dung hiện thực được tác giả phản ánh trong văn bản mà không chú ý đến tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm.
  • Trình bày quá dài dòng. Thay vì viết 2 – 3 hàng, nhiều em viết thành đoạn văn dài dẫn đến rối, khó hiểu.

- Ở phần Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học:

  • Ý tưởng nghèo nàn, lý lẽ ít ỏi.
  • Bố cục lộn xộn, lập luận thiếu chặt chẽ
  • Viết lan man, dông dài, không đúng trọng tâm, trọng điểm. Hoặc các em không xác định được ý chính cần viết, hoặc các em quá tham kiến thức.
  • Diễn xuôi thơ hoặc kể chuyện về nhân vật.
  • Thiếu dẫn chứng hoặc chưa biết cách phân tích dẫn chứng.
  • Còn mắc nhiều lỗi diễn đạt: dùng từ, đặt câu, viết đoạn.

 Trong 2 tháng cuối cùng trước kỳ thi, bên cạnh những phương pháp ôn luyện môn “tự luận duy nhất” như những gợi ý phía trên, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Hệ thống lại toàn bộ kiến thức trọng tâm
  • Biết 1 số lưu ý tránh mất điểm oan với những lỗi học sinh thường gặp.
  • Nắm được các phương pháp, kỹ năng giải đề cần thiết

Như vậy, chỉ còn hơn một tháng ngắn ngủi nữa là Kì thi THPT Quốc Gia năm 2017 đã diễn ra. Điều quan trọng nhất bây giờ là các bạn cần ôn tập nhanh lại kiến thức trọng tâm, nắm được phương pháp làm các dạng bài và chịu khó sưu tầm, luyện đọc các đề thi thử THPT môn Văn do các giáo viên và các Sở Giáo Dục – Đào tạo các tỉnh đã đưa ra. Học và ôn thi thật tốt, thật bình tĩnh, thoải mái khi làm bài, hẳn các em sẽ hoàn thành bài thi của mình như mong muốn.